Câu chuyện cà phê sạch – cà phê bẩn đến này vẫn là đề tài nóng. Việc sử dụng cà phê sạch, nguyên chất là xu hướng tất yếu. Nhưng không phải là đã hết cafe hương liệu, cafe độn bắp đậu … Do đó, việc nhận biết được đâu là cafe sạch, đâu là cafe bẩn là vấn đề nên được thường xuyên nói tới.

1. Thế nào là cà phê sạch:

Một cách đơn giản, cà phê sạch là cà phê được sản xuất từ 100% hạt cà phê. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì cafe nhân được phân ra rất nhiều loại, một số loại chất lượng thấp có một tỷ lệ đáng kể tạp chất, trái non, trái sâu …; với các loại hạt này, dù khi sản xuất không độn thêm thêm bất cứ nguyên liệu, hương liệu nào thì cũng chưa thể nói là cà phê sạch. Do đó, để được xem là cà phê rang xay sạch, thì nguồn cà phê nhân nguyên liệu cần phải qua tuyển chọn, sàng lọc với những tiêu chí cơ bản gồm:

  • Tỷ lệ trái chín cao > 95%
  • Trên sàng 16 đến 18.
  • Tỷ lệ tạp chất, hạt lỗi gần như không còn.
BÁN CÀ PHÊ NHÂN TẠI VŨNG TÀU
Cà phê nhân chất lượng cao

Cà phê rang xay có tẩm bơ có được gọi là Cà phê sạch không?

Mục đích của việc tẩm bơ (và có thể là một ít rượu, muối) là giúp cho cà phê rang xay được đậm đà hơn, dễ pha chế (chế phin) hơn và bảo lưu hương thơm tốt hơn; được xem như là “gia vị” cho cafe, chứ hoàn toàn không phải cafe rang tẩm này nọ như nhiều người hiểu (lầm).

2. Như thế nào thì gọi là cà phê bẩn.

Cà phê bẩn thì vô hình vạn trạng, trước đây, việc rang và sản xuất cà phê có nhiều “bí kiếp” một phần là để phục vụ cho việc sản xuất cà phê không thật sự lành mạnh. Có nhiều dạng của cà phê bẩn, nhưng “công thức” chung là làm sao để cafe thơm, đắng, đặc, sánh mà không cần tốn quá nhiều … cà phê. Dạng cafe bẩn phổ biến là một ít cà phê + Bắp, Đậu + Caramen (đường cháy đen) + Hương liệu hóa học; đôi khi có chỗ còn cho thêm chất tạo đắng, chất tạo bọt… rất có hại cho sức khỏe.

Sản xuất cà phê bẩn
Sản xuất cà phê bẩn

3. Cách đơn giản để phân biệt cà phê sạch – cà phê bẩn.

Đối với những người thường xuyên sử dụng cà phê sạch, rang xay nguyên chất; việc nhận biết cà phê bẩn rất đơn giản chỉ bằng cảm nhận hoặc nghe mùi thơm là biết đâu hương thơm cafe tự nhiên, đâu là mùi của hương liệu. Nhưng nếu bạn chưa thật sự chắc chắn, có thể thử một số cách đơn giản sau:

  • Độ tơi xốp của bột cà phê

Bột cà phê Sạch, nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp, tơi và rời; ngược lại, bột cà phê độn đậu, bắp, caramen không tơi xốp bằng, cảm giá nặng hơn và có thể ẩm ướt hơn (trộn nhiều caramen).

Để thử nghiệm xem cà phê có nguyên chất hay không, bạn có thể tiến hành thí nghiệm nhỏ ngay tại nhà, bằng cách: Đổ nước nguội đầy 2/3 ly thủy tinh, sau đó rắc nhẹ khoảng 2 muỗng bột cà phê lên mặt nước và quan sát.

Cà phê nguyên chất sẽ nổi rất lâu trên mặt nước. Khi cà phê chìm, màu nâu mới pha ra nước và tạo thành một dung dịch màu cánh gián trong.

Ngược lại, cà phê pha độn chìm rất nhanh, có loại chìm ngay lập tức. Pha độn càng nhiều, bột càng nhanh chìm xuống đáy ly và có khi chìm cả mảng lớn. Màu nâu đen phai ra trong nước ngay lập tức và nước vẩn đục không trong.

Khi bạn cho nước sôi vào phin chứa cà phê thật, lập tức bột cà phê sẽ nở phồng lên, sủi bọt mạnh thậm chí tràn cả ra ngoài phin. Ngược lại, cà phê trộn tạp chất không có độ phồng, trái lại còn dính và bẹp xuống.

  • Độ sánh của nước cafe

Khi pha nước của ly cà phê thật có độ sánh hầu như không đáng kể, trái lại cà phê độn bắp và đậu rang vốn chứa nhiều tinh bột nên sẽ rất sánh và dẻo.

  • Màu sắc

Cà phê nguyên chất có màu cánh gián đến nâu đậm (tùy mức độ rang), khi cho đá vào sẽ có màu nâu hổ phách, trong. Để ra ánh sáng nhìn ly cà phê đá có màu nâu sáng trong khi đó, cà phê pha trộn thường có màu đen đục, đen kịt.

  • Hương thơm

Cà phê nguyên chất sau khi pha hương thơm rất “kín đáo” nhưng tồn tại lâu đến cuối ly; thậm chí nếu chỉ dùng cà phê Robusta có khi bạn sẽ không phát hiện ra hương thơm cafe nếu không thật sự tập trung. Ngược lại, cafe độn có mùi hương tỏa mạnh, nồng nặc nhưng càng về sau sẽ mất đi và bạn có thể ngửi được mùi của bắp, đậu và khét của đường cháy.

Dương Cầm